Bành trướng và lãnh thổ Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ

Công ty Đông Ấn Anh (English East India Company) được thành lập vào năm 1600, dưới tên gọi Công ty của các thương gia London buôn bán vào Đông Ấn. Công ty bắt đầu có chỗ đứng tại Ấn Độ khi họ thành lập thương quán tại Masulipatnam trên bờ biển phía đông của Ấn Độ vào năm 1611, và được Hoàng đế Mughal Jahangir cấp quyền thành lập thương quán tại Surat vào năm 1612. Năm 1640, sau khi được Đế quốc Vijayanagara ở phía nam cấp phép tương tự, một thương quán được thành lập tại Madras trên bờ biển phía đông nam. Bồ Đào Nha tặng đảo Bombay nằm không xa Surat cho Anh làm của hồi môn trong cuộc hôn nhân giữa Công chúa Bồ Đào Nha Catarina với Charles II, Công ty được cho thuê đảo vào năm 1668.

Sau Chiến tranh Anh-Mughal, Hoàng đế Aurangzeb cũng cho phép Công ty hiện diện trên bờ biển phía đông; một thương quán được thành lập tại Calcutta nằm xa bờ biển và thuộc đồng bằng sông Hằng. Trong thời gian này, các "công ty" khác—do Bồ Đào Nha, Hà Lan, PhápĐan Mạch thành lập—cũng đang mở rộng ở mức độ tương tự trong khu vực, việc Công ty Đông Ấn Anh có bước khởi đầu kém nổi bật tại vùng ven biển Ấn Độ không phải là bước khởi đầu ấn tượng trong quá trình người Anh hiện diện lâu dài trên tiểu lục địa Ấn Độ.

Robert Clive lãnh đạo Công ty giành chiến thắng trong Trận Plassey năm 1757 và trong Trận Buxar (tại Bihar) năm 1764, giúp củng cố quyền lực của công ty và buộc Hoàng đế Shah Alam II phải để cho công ty làm diwan (quan thu thuế) của Bengal, Bihar và Orissa. Nhờ đó, đến năm 1773 Công ty trở thành thế lực cai trị thực tế một khu vực rộng lớn thuộc đồng bằng hạ du sông Hằng. Họ cũng dần mở rộng lãnh địa ra xung quanh Bombay và Madras. Sau Chiến tranh Anh-Mysore (1766–1799) và Chiến tranh Anh-Maratha (1772–1818), Công ty kiểm soát các khu vực rộng lớn tại phía nam sông Sutlej. Từ khi Đế quốc Maratha bị đánh bại, Công ty không còn mối đe doạ nào từ thế lực bản địa nữa.[11]

Công ty có hai hình thức bành trướng quyền lực chính. Đầu tiên là sáp nhập hoàn toàn các quốc gia Ấn Độ, sau đó là quản lý trực tiếp đối với các khu vực quan trọng, những nơi này được gọi chung là Ấn Độ thuộc Anh. Các khu vực được sáp nhập bao gồm các tỉnh Tây-Bắc (bao gồm Rohilkhand, GorakhpurDoab) (1801), Delhi (1803), Assam (Vương quốc Ahom 1828), và Sindh (1843). Punjab, tỉnh Biên giới Tây-BắcKashmir bị sáp nhập sau Chiến tranh Anh-Sikh 1849-1856; tuy nhiên Kashmir ngay lập tức được bán đi theo Hiệp ước Amritsar (1850) cho vương triều Dogra của Jammu, và trở thành một phiên vương quốc. Năm 1854, Berar được sáp nhập, và hai năm sau đến lượt Oudh.[12]

Hình thức khẳng định quyền lực thứ hai là các hiệp ước, theo đó các nhà cai trị Ấn Độ có quyền tự chủ hạn chế trong nội bộ nhưng thừa nhận quyền bá chủ của Công ty. Do Công ty hoạt động trong điều kiện tài chính hạn chế, nên họ phải thiết lập nền tảng "chính trị" cho quyền cai trị của mình.[13] Các liên minh phụ thuộc (subsidiary alliance) với các vương công Ấn Độ trong 75 năm đầu tiên Công ty cai trị là nền tảng ủng hộ quan trọng nhất.[13] Đầu thế kỷ 19, lãnh thổ của các vương công này chiếm tới 2/3 diện tích Ấn Độ.[13] Khi một quân chủ Ấn Độ có khả năng nắm vững lãnh thổ của mình và muốn tham gia vào một liên minh như vậy, Công ty sẽ hoan nghênh vì cho rằng phương pháp cai trị gián tiếp sẽ không mất chi phí kinh tế như khi quản lý trực tiếp, hoặc chi phí chính trị để giành được ủng hộ từ bên ngoài.[14]

  • Ấn Độ vào năm 1765 và 1805, thể hiện lãnh thổ Công ty Đông Ấn Anh bằng màu hồng.
  • Ấn Độ vào năm 1837 và 1857, thể hiện các lãnh thổ do Công ty Đông Ấn quản lý bằng màu hồng.

Đổi lại, Công ty đảm nhận bảo vệ các đồng minh lệ thuộc này và tôn trọng truyền thống khi đối xử với họ.[14] Các liên minh phụ thuộc tạo ra các phiên vương quốc dưới quyền các maharaja theo đạo Hindu và các nawab theo đạo Hồi. Các phiên vương quốc nổi bật là: Cochin (1791), Jaipur (1794), Travancore (1795), Hyderabad (1798), Mysore (1799), các nhà nước Nội Sutlej (1815), đại lý Trung Ấn (1819), Cutchcác lãnh thổ Gaikwad Gujarat (1819), Rajputana (1818), và Bahawalpur (1833).[12]

Công ty Đông Ấn Anh cũng ký kết các hiệp ước với nhiều quân chủ Afghanistan và với Ranjit Singh của Punjab, nhằm đối trọng với các kế hoạch của Ba Tư tại miền tây Afghanistan được Nga ủng hộ. Năm 1839, Công ty tiến hành Chiến tranh Afghanistan lần thứ nhất (1839-42). Tuy nhiên, khi người Anh bành trướng lãnh thổ của họ tại Ấn Độ, Nga cũng làm vậy tại Trung Á, hình thành đấu trường cho Ván Cờ Lớn.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ https://books.google.com/books?id=o9sCEAAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=52aicl9l7rwC&pg=... https://books.google.com/books?id=d_J5DwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=8bqEzPPp8xIC&pg=... https://books.google.com/books?id=DJgnebGbAB8C&pg=... https://books.google.com/books?id=uzOmy2y0Zh4C&dq=... https://web.archive.org/web/20210501082716/https:/... https://web.archive.org/web/20191219213715/https:/... http://www.wolframalpha.com/entities/historical_ev... http://www.wdl.org/en/item/393/